Điều đáng nói, từ trước đến nay, bà Mè chưa bao giờ được chồng chỉ vẽ về nghiệp “thần đèn”, nên khi quyết định theo lĩnh vực này, nhiều người cười khẩy rằng bà nói đùa.
Nhưng vốn mạnh mẽ, táo bạo, quyết đoán…, bà đã vượt qua mọi thử thách để chứng minh rằng phụ nữ cũng có thể làm được, thậm chí làm tốt hơn những gì thuộc về giới “vai u thịt bắp”.
Bà Mè, nữ “thần đèn” đầu tiên Việt Nam. Ảnh: ĐV
Đứng dậy sau mất mát
Những sóng gió cuộc đời trải qua biến bà Nguyễn Thị Mè (55 tuổi) từ người phụ nữ yếu mềm trở nên quyết đoán. Cuộc mưu sinh vất vả khiến bà mạnh mẽ ngay trong những câu trò chuyện với chúng tôi. “Nữ thần đèn” đầu tiên của Việt Nam sinh ra trong một gia đình thuần nông, học hết lớp 6 trường làng và lập gia đình ở tuổi 31, chồng là cố “thần đèn” “danh bất hư truyền” Tư Lũy (Lương Thành Lũy). Lúc chồng còn sống, bà luôn sát cánh cùng ông bên những công trình, có khi ngủ lán, ăn cơm ngoài trời cùng anh em thợ. Vì vậy, thời gian này bà cũng nắm được một phần nguyên lí của công việc dời nhà.
Ngày chồng mất, bà Mè khóc tưởng như cạn nước mắt. Ông để lại cho bà gánh nặng gia đình, hoạt động công ty (Công ty TNHH một thành viên Tư Lũy) với khối lượng công trình dời nhà khổng lồ đang thực hiện còn dang dở. Đó là khoảng thời gian vô cùng khó khăn đối với người phụ nữ chân yếu tay mềm, lại phải nuôi hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học này. “Nhiều lúc, tôi muốn buông xuôi tất cả để quên thực tại, nhưng rồi khi ra sau nhà, nhìn thấy con lăn, con đội, tấm ván… thường ngày ổng hay làm, tôi lại tự vấn lòng phải đứng lên, không thể phụ mồ hôi nước mắt bao năm chồng mới gây dựng được”, bà Mè tâm sự. Phải mất một thời gian sau, bà mới tạm ổn tâm lý và quyết tâm đi học làm “thần đèn”.
Khi “thần đèn” Tư Lũy qua đời, không một ai tin bà có thể tiếp tục điều hành công ty chuyên di dời những công trình lớn như vậy. Những người làm nghề dời nhà cạnh tranh bất chính còn rỉ tai nhau: “Một người phụ nữ chuyên nội trợ và nuôi 2 đứa con thơ dại thì làm ăn được gì, phen này công ty Tư Lũy phá sản là cái chắc”. Thế nhưng, bà Mè đã làm được cái việc mà chẳng ai ngờ tới ấy, hơn thế còn làm một cách rất xuất sắc. Bà bảo, phải tiếp tục nghiệp “thần đèn” để bảo vệ danh tiếng của chồng mình, đồng thời cho con cái nhìn vào đó mà học hỏi, sau này nối nghiệp cha.
Nữ “thần đèn” dẫn quân xuất ngoại Thay chồng bà Mè tiếp tục lãnh đạo Công ty TNHH Tư Lũy thực hiện hàng chục công trình khác ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An, Sóc Trăng… Đặc biệt, tháng 4 vừa qua nữ “thần đèn” Nguyễn Thị Mè còn chỉ huy đưa dịch vụ dời nhà xuất ngoại sang Lào. Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi mà uy tín của bà bây giờ chẳng thua kém gì so với chồng khi xưa. Bà trở thành người phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam chuyên thực hiện công việc di dời nhà, một nghề mà từ trước tới nay chỉ dành cho cánh mày râu “vai u thịt bắp”.. |
Bà Mè kể khi bắt đầu quán xuyến mọi việc công ty thì khó khăn nhất là việc ngoại giao, ký kết hợp đồng, sắp xếp và điều động nhân công. Bà phải cùng cháu ruột của chồng là Lương Gia Hải (35 tuổi, đệ tử ruột theo Tư Lũy) rà soát những công việc đã và chưa làm được. Ban đầu, bà lần lượt gọi điện cho các chủ nhà có công trình ở Cần Thơ, Long An, Sóc Trăng mà ông Tư Lũy đang thi công dở. Khi “guồng máy” bắt đầu chạy lại, bà quyết định táo bạo làm nốt công trình mà chồng đã nhận là quay góc ngôi chùa Vạn Linh khổng lồ nặng 1500 tấn trên núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang). Trước khi mất, “thần đèn” Tư Lũy nhận di dời công trình chùa Vạn Linh để chùa có thêm không gian xây cất một ngôi chùa mới. Tư Lũy và nhân công đã mất hơn 1 tháng để thi công gia cố đà cho thật chắc chắn rồi mới cho xoay hướng chùa. Dự tính sẽ hoàn thành công trình này trong 2 tháng và 15 ngày, tính cả trong điều kiện thời tiết xấu. Thế nhưng, sắp bước vào công đoạn quay chùa thì ông đột ngột qua đời trong một chuyến xuống Sóc Trăng nhận hợp đồng mới. Vì thế, công trình này bị chững lại hơn 1 tháng thì bà Mè nhận thi công tiếp. “Hôm tôi lên chùa Vạn Linh nhận lại công trình của chồng là ngày vô hạ (ngày lập hạ 15/4 âm lịch), nhưng vừa nhìn thấy đồ đạc mà ông để lại, tôi liền bật khóc. Nhiều phật tử thấy vậy quan tâm động viên lại tiếp thêm cho tôi sức mạnh”, bà Mè kể.
Sau khi khảo sát lại công trình, bà Mè cho thợ gia cố đà thêm một lần nữa. Bà dặn thợ làm việc phải tuyệt đối nghiêm túc, đảm bảo an toàn là trên hết. Một tay bà thu xếp chỗ ăn ở cho công nhân để phù hợp với phong tục của chùa. Bà phân công hai người giúp việc “đóng chốt” dưới chân núi chuyên lo việc bếp núc cho anh em công nhân, vì không thể “ăn mặn” ở trên chùa được. “Rờ tay” vào công trình chưa tròn 2 ngày thì bao nhiêu thiếu thốn dồn ứ phát sinh. Để giải quyết việc này, một mặt bà dặn dò người thợ cả là anh Hải trông nom công nhân, bà lại cùng một số anh em khác quay về nhà lấy thêm dụng cụ phục vụ công trình. Từ ngày làm công việc đàn ông, hai đứa con thơ dại, bà đành gửi cho người chị ruột trông nom giúp.
Kỳ tích đầu đời làm nữ “thần đèn”
Lúc chuẩn bị cho “công trình đầu đời”, bà Mè lại phải chịu rất nhiều áp lực liên quan tới chuyện tâm linh sau cái chết của chồng mình. Có đối tượng gọi điện cho bà bảo rằng, chính vì chồng bà tiến hành xoay chùa Vạn Linh, chạm vào long mạch hàng trăm năm nay của ngôi chùa nên mới mất hòng làm bà nhụt chí. Vốn là một phật tử của Phật giáo Hòa Hảo, nhưng do nhiều người “phản ánh” quá nên bà cũng hơi ngần ngại. Nhưng đã quyết là làm, bỏ ngoài tai những lời “bàn tán”, bà nhằm thẳng mục tiêu phía trước là hoàn thành công trình mà chồng đã nhận với nhà chùa. Đồng thời nghe theo lời các sư thầy trong chùa khuyên bảo, không nên tin vào những lời mê tín dị đoan của bàn dân thiên hạ, hãy vững tin thì sẽ thành công.
“Trong 17 ngày kéo, quay và dời chùa vào vị trí mới, hàng trăm người dân, khách hành hương ồ ạt kéo đến xem mỗi ngày, có ngày hàng ngàn Phật tử từ xa đến xem. “Thú thiệt, chúng tôi làm nhưng hồi hộp lắm, bởi đây là lần đầu tiên nhận một công trình có sức nặng kinh khủng như thế”, bà Mè sung sướng nhớ lại. Tròn ba tháng thi công, với 6 lần đứt dây cáp, chuyển dịch chùa từ vị trí ban đầu tới vị trí mới là 20m, quay 90 độ trên khối lượng 1.500 tấn, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công nhân là kỳ tích lớn nhất và đầu tiên của bà Mè. Cũng theo bà, bản thân ông Tư Lũy thi công hơn 20 năm mà chưa hề chuyển dịch một công trình nào đồ sộ như công trình này.
Công trình di dời chùa Vạn Linh được bà Mè và ekip làm việc hoàn thành đúng vào ngày mãn hạ (15/7 âm lịch, ngày của Mẹ) nên có hàng vạn phật tử tới tham quan, chúc mừng nhà chùa, động viên và chia sẻ niềm vui với nhóm làm việc của bà Mè. Sau khi hoàn thành công trình chùa Vạn Linh, bà tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển dịch ngôi nhà 4 tầng của anh Nguyễn Hữu Tiến (Long Xuyên, hợp đồng của chồng bà ký dở nhưng chưa thực hiện được) thành công. Liên lạc với chúng tôi, anh Tiến cho biết: “Thời điểm đó, rất nhiều công ty, doanh nghiệp di dời nhà đến đặt vấn đề, nhưng tôi bảo đã nhận lời công ty Tư Lũy rồi, vì qua công trình chùa Vạn Linh thì tôi hoàn toàn yên tâm cho đơn vị bà Mè thi công”.
Không chỉ nổi tiếng với nghề dời nhà, bà còn là một phụ nữ nhân hậu. Theo Đạo Phật Hòa Hảo từ nhỏ, bà thấm nhuần thuyết “từ- bi- hỉ- sả”. Hồi còn chồng, cứ tới ngày Rằm hàng tháng, bà lại phát miễn phí 2 tấn gạo cho dân nghèo trong vùng, mỗi người được phát từ 10 - 15kg gạo. Chị Đào Thị Thơm (32 tuổi), một người buôn rau chúng tôi tình cờ gặp ở bến đò Lộ Mới xác nhận: “Hàng ngày, tôi đi chợ bán rau quả đều phải qua bến đò, ngay sát nhà ông Tư Lũy, rằm nào ông bà cũng phát gạo cho dân, tôi đều đến lĩnh”. Nhưng từ ngày điều hành công ty với rất nhiều công trình lớn nhỏ rải khắp các tỉnh miền Tây, bà không còn thời gian phát gạo cho bà con như trước nữa. Song, dù vất vả bận bịu đến mấy nhưng chưa một lần, bà quên ngày Rằm. Không có thời gian phát gạo, bà đổi sang phát tiền đặng để bà con dùng số tiền ấy trang trải đời sống phần nào. Mỗi người hai, ba chục ngàn đồng, cứ nhẩm tính thì mỗi lần như vậy cũng tốn 9-10 triệu đồng.
Theo Đăng Văn - Gia đình & Xã hội