Sau nhiều lần thương lượng không thành công, ngôi nhà của bà Liang đến nay vẫn nằm giữa tuyến đường 4 làn, chịu tiếng ồn và khói bụi của xe cộ đi qua mỗi ngày.
Vào ngày 3 tháng 8 năm 2020, cầu cao tốc Hải Dũng Châu ở thành phố Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông đã được khánh thành và thông xe. Tuy nhiên, điều làm người ta chú ý là ở "góc khuất" lọt thỏm giữa làn đông và tây của cây cầu có một ngôi nhà cũ chỉ khoảng 40m2, phá vỡ cấu trúc thiết kế liền mạch của công trình.
Một số người gọi đùa khoảng trống giữa cầu là "Mắt ngọc của biển" hay "ngôi nhà đinh tốt nhất Quảng Châu". Lý do ngôi nhà cấp bốn này nằm giữa tuyến đường 4 làn cũng trở thành chủ đề làm dấy lên cuộc thảo luận sôi nổi của cư dân mạng. Theo tìm hiểu của phóng viên, ngôi nhà nhỏ là nơi sinh sống cả 3 thế hệ già trẻ nhà bà Liang. Họ tỏ ra bất lực trước những đoàn khách tò mò ghé “thăm” mỗi ngày.
Theo đài truyền hình Quảng Đông, khi tiến hành thi công cầu cao tốc Hải Dũng Châu, phía chủ đầu tư không thể phá ngôi nhà một tầng lợp mái ngói có diện tích 40m2 ở giữa đường do gia đình bà Liang và chính quyền không đạt được thỏa thuận đền bù. Cứ như thế, nhiều năm trôi qua, căn nhà vẫn nằm "hiên ngang" ngay giữa cầu cao tốc, gây nhiều tranh cãi trong dư luận nước này.
Theo Sohu, bà Liang là người duy nhất trong tổng số 47 hộ gia đình và 7 công ty thuộc diện di dời vẫn còn "bám trụ" ở đó. Những hộ chuyển đi đã được các nhà chức trách đền bù bất động sản tương ứng hoặc bồi thường tiền mặt, tuy nhiên, gia đình bà Liang đã từ chối tất cả hình thức bồi thường này.
Theo bà Liang, 10 năm trước, chính quyền đã đưa bà đến xem một ngôi nhà ở Feng'an Garden trên đường Cách Tân, quận Hải Châu. Tuy nhiên bà đưa ra lý do ở Quảng Đông, những ngôi nhà "tam giác và bát giác" là điều cấm kỵ nên từ chối ở đó. Chia sẻ với phóng viên, bà Liang nói: "Ngay khi các con chúng tôi bước vào, chúng đã nói rằng chúng thà sống ở trong căn nhà hiện tại hơn là ở đó".
Sau đó, chính quyền lại thuyết phục gia đình bà chuyển đến Đại lộ Baogang, quận Hải Châu những bà Liang tiếp tục từ chối. Bà nói: "Căn phòng đó đối diện với nhà xác của bệnh viện. Tôi thà sống ở đây còn hơn đối mặt với nỗi ám ảnh về người chết."