Pin It

Từ thành công của Tư Lũy, không ít thợ mộc vốn theo ông đi dời nhà, sau thời gian tích lũy kinh nghiệm đã “xuất môn” ra làm riêng và trở thành “thần đèn” mới.

Gắn bó với công việc dời nhà hơn 20 năm nay, ông Lương Thành Lũy (Tư Lũy) được xem là “thần đèn” đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên, ít người biết rằng, xuất thân của “ông tổ” làng “thần đèn” cù lao Ông Chưởng (cách gọi của người dân đối với Tư Lũy) lại là một thợ mộc nghèo với trình độ tương đương lớp 4 trường làng.

Cái khó ló cái khôn

Cặp bến đò Lộ Mới (ấp Long Hòa 2, xã Long Điền A), ngôi nhà lầu của Tư Lũy khá nổi bật với bảng hiệu Công ty TNHH Một thành viên Tư Lũy. Phía sau cánh cửa sắt là chiếc ôtô 7 chỗ trị giá gần 1 tỷ đồng. Tuy sở hữu xe đẹp nhưng Tư Lũy lại… không biết lái, phải thuê tài xế riêng.
“Thần đèn” Tư Lũy chuẩn bị đồ nghề cho một chuyến làm ăn xa.

"Cũng tại ngày trước nghèo khổ, chỉ mới học đến lớp nhì (tương đương lớp 4 hiện nay) là nghỉ. Bây giờ viết chữ còn sai chính tả tùm lum, nói gì thi lấy bằng lái” - Tư Lũy thật thà. Tuy không giỏi chữ nghĩa, nhưng với mỗi công trình cần di dời, nâng cấp, Tư Lũy nhìn sơ qua là có thể tính toán được phương án và thời gian thi công, vật liệu cần dùng, chi phí thực hiện…

Tư Lũy kể: “Do hoàn cảnh khó khăn nên đến 33 tuổi tôi mới cưới vợ (năm 1989). Lập gia đình xong, tôi cất tạm ngôi nhà lá bên nhà vợ để tiếp tục nghề thợ mộc”.

“Nghiệp thần đèn” đến với Tư Lũy trong một dịp tình cờ. Năm 1990, huyện Chợ Mới tiến hành đầu tư mở rộng tuyến Tỉnh lộ 942 và phải giải tỏa hàng loạt nhà dân 2 bên đường, trong đó có căn nhà ngói rất đẹp mà Tư Lũy vừa cất cho ông Hai Lai còn chưa kịp ăn tân gia.

Nhà vi phạm lộ giới đến 5m, buộc phải tháo dỡ. Anh Hai tiếc ngôi nhà mới nên năn nỉ tôi tìm cách giữ lại nguyên trạng. Tôi cứ nghĩ mãi, chiếc ghe nặng như thế mình còn di chuyển xuống sông, lên bờ được, thì tại sao không di chuyển được ngôi nhà” - Tư Lũy nhớ lại.

Thế là ông quyết định một việc mà trước giờ chưa ai dám làm: Dùng các con đội nâng đều các cột, lấy thân gỗ tròn làm ống lăn, thiết kế đường rãnh tương tự như hạ thủy tàu ghe… và tiến hành di chuyển cả ngôi nhà lùi ra sau hơn 5m nguyên vẹn.

Tiếng tăm về khả năng dời nhà của Tư Lũy nổi lên từ đó. Thế là chẳng những người dân trong tỉnh mà các tỉnh lân cận cũng tìm đến nhờ ông “giải cứu” nhà của họ. “Đơn đặt hàng” dồn dập, Tư Lũy gom những thợ mộc, kể cả thanh niên trong xóm đi dời nhà.

Có vốn liếng, Tư Lũy đầu tư trên 500 triệu đồng cho đồ nghề và chuyển sang di dời những căn nhà lầu, biệt thự, công trình hàng trăm tấn. Tuy vậy, danh tiếng của “thần đèn” Tư Lũy chỉ thật sự “nổi như cồn” khi ông nhận di dời chùa Vĩnh Tràng ở TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) vào năm 2006. Đây là di tích cấp quốc gia nhưng đã bị nghiêng và có nguy cơ đổ sụp. Tất cả các công ty đều “lắc đầu” khi đến tìm hiểu, chỉ có Tư Lũy là dám nhận làm.

ConKich 

Thay vì phải đập bỏ cả căn nhà thì nhiều người chỉ phải tốn khoảng 20-30% giá trị nhà để các “thần đèn” di chuyển đến nơi mới một cách an toàn.

“Các nhà thầu khác đều cho rằng tôi “khùng” mới nhận công trình này, bởi ngoài trọng lượng rất nặng, phần chân và vách tường đều bị mục, rất dễ sập khi di chuyển” - Tư Lũy nhớ lại. Với sự tự tin, ông cho thợ đào móng, đóng cừ chịu lực cho phần bị nghiêng, gia cố lại đường băng vững chắc… rồi nâng ngôi chùa lên và di chuyển thành công. Sau thành công này, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang đã tin tưởng giao cho Tư Lũy di chuyển một di tích cấp quốc gia khác là đình Long Hưng ở huyện Châu Thành và ông cũng thực hiện thành công.

Nhộn nhịp làng “thần đèn”

Từ thành công của Tư Lũy, không ít thợ mộc vốn theo ông đi dời nhà, sau thời gian tích lũy kinh nghiệm đã “xuất môn” ra làm riêng và trở thành “thần đèn” mới. Những người này lại tiếp tục thu nhận “đệ tử” vừa theo làm vừa học nghề. Vậy là thế hệ “tiểu thần đèn” lại nối tiếp ra đời...

Hiện nay, dọc theo Tỉnh lộ 943, đoạn thuộc địa bàn huyện Chợ Mới, những bảng giới thiệu dịch vụ dời nhà, nâng nền, sửa chữa công trình… mọc lên san sát. Ông Nguyễn Ngọc Hờn - Trưởng Ban nhân dân ấp Long Hòa 2 (xã Long Điền A), cho biết: “Trong ấp, ngoài 6-7 doanh nghiệp đã có giấy phép đăng ký kinh doanh, còn có hơn 20 hộ chuyên thực hiện di dời nhà gỗ, nhà tường cấp 4…

Những đội dời nhà đã thu hút hơn 200 thanh niên tham gia với thu nhập bình quân trên 100.000 đồng/người/ngày, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 50% lao động địa phương”. Một số ấp khác của xã Long Điền A cũng có nhiều đội dời nhà hoạt động lẻ tẻ.

Những “thần đèn” vùng cù lao Ông Chưởng đã không ngừng học hỏi, sáng tạo để xây dựng tên tuổi cho mình. Công việc của họ trải khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, vươn ra các tỉnh miền Đông, Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc… “

Đóng góp thầm lặng của những “kỹ sư không bằng cấp” đã giúp hàng ngàn người dân tiết kiệm được chi phí đập bỏ nhà cũ, cất lại nhà mới. Cái cách mà họ “kiếm cơm” rất có lợi cho xã hội.
 

Theo Thoại Giang - NTNN

Thần đèn Tư Lũy

“Thần đèn Tư Lũy, người được xem là “ông tổ” của nghề dời nhà ở miền Tây. Tính đến nay ông đã di dời trên 1000 công trình lớn nhỏ ở nhiều tỉnh, thành trong nước và một số nước khác như Philippines, Malaysia, Italy...

Địa chỉ: Đường tỉnh 942, Ấp Long Hòa 2, Xã Long Điền A, Huyện Chợ Mới, An Giang

Thống kê truy cập

134971
Hôm nay
Tuần này
Tháng này
45
358
1277