Pin It

Nhiều người cho rằng họ làm chuyện “Tề Thiên”, di dời nhà cửa từ nơi này đến nơi khác, thậm chí mang cả căn nhà vượt rạch đến vị trí mới an toàn.

DiDoiNha

Nói tới “thần đèn”, nhiều người nhớ ngay đến vị thần khổng lồ có sức mạnh phi thường trong thần thoại Ấn Độ. Ở ĐBSCL có những con người được gọi là “thần đèn” vì họ cũng làm được những việc phi thường.

Cứu tinh của dân vùng lũ

Không to lớn như những người khổng lồ, cũng không có sức mạnh siêu nhiên hay phép mầu như truyền thuyết, những “thần đèn” ở miền Tây Nam Bộ chỉ là những con người bình thường, nhưng siêng năng lao động và sáng tạo. Ở miền Tây Nam Bộ, những “thần đèn” sớm nổi danh hơn chục năm về trước không nhiều, đếm không hết một bàn tay.

Chúng tôi tìm đến vùng cù lao Ông Chưởng thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Nơi đây được xem là xứ sở của những “thần đèn” chân đất. Không riêng huyện Chợ Mới, tất cả 11 huyện, thị, TP trong tỉnh An Giang hằng năm, đều phải hứng chịu nguồn nước lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về. Khi đó, các tỉnh đầu nguồn ở ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp đều bị chìm trong biển nước. Những năm nước lớn, rất nhiều vườn tược, lúa thóc và nhà cửa của người dân ở đây bị ngập, thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân.

Ông năm Tân, một người lớn tuổi ở xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, cho biết khoảng 15 năm trước, hầu hết người dân vùng này đều cất nhà sàn, cột gỗ vì phải sống chung với lũ. Lúc đó, trong trận lũ lớn năm 1996, chỉ riêng An Giang có đến hàng chục ngàn nhà dân bị ngập, bị hư hại, nhiều nhà phải kê giường, thậm chí bắt cầu khỉ trong nhà để đi lại. Sau khi lũ rút, hầu hết phần ván lót sàn đều bị biến dạng vì ngâm trong nước nhiều ngày. Khi đó, nhiều người nghĩ đến giải pháp “đội” sàn nhà lên cao hơn mực nước để tránh lũ. “Hồi đó, một hộ dân ở đây thuê thợ đến kéo lùi căn nhà và đội sàn nhà lên cao. Từ khi hộ này nâng, dời nhà  thành công, nhiều hộ khác ở đây cũng làm theo. Vậy là nghề nâng cao nền, sàn và di dời nhà ra đời. Lúc đó, nghề này do mấy ông thợ mộc học lỏm làm nhưng tôi không nhớ rõ ai là người làm đầu tiên” – ông năm Tân nói.

Ông Nguyễn Văn Bút, ở xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, nhớ lại vào khoảng năm 1996, chính quyền tiến hành mở rộng và nâng cao con lộ nông thôn vừa làm đê bao khép kín bảo đảm sản xuất lúa cho 3 xã Tấn Mỹ - Mỹ Hiệp - Bình Phước Xuân. Khi đó, hàng ngàn ngôi nhà sàn của người dân ở 2 bên đường phải di dời vào sâu hơn 10 m để nhường mặt bằng thi công công trình. “Thời điểm đó, nếu không có mấy ông “thần đèn” di dời nhà, chắc phải có hàng ngàn nhà dân phải tháo dở rồi xây, cất lại. Hơn nữa, khi con đường mới được mở rộng và nâng cao gần đến nóc thì các nhà ở đây cũng phải nâng sàn cho cân xứng, để tránh ngập lũ. Họ đúng là cứu tinh của người dân vùng lũ vào thời điểm đó” – ông Bút cho biết.

Mang nhà… vượt rạch

Ông Huỳnh Văn Thài, ở xã Tấn Mỹ, kể trong đợt đào kênh, mở rộng và nâng cấp lộ nông thôn của 3 xã, nhà ông bị ảnh hưởng nặng. Ông Thài cho biết khi đó, nhà ông làm nghề sửa chữa máy nổ ở bên kia bờ rạch. Khổ nỗi, do diện tích đất hẹp nên khi bị giải tỏa, ông không còn đất để kéo lùi nhà ra phía sau. “Nếu tháo dở nhà ra cất lại thì rất tốn kém và mất nhiều thời gian, lại ảnh hưởng đến chuyện làm ăn. Vì vậy, tôi phải tìm đến thợ dời nhà và được họ khẳng định sẽ mang cả căn nhà của tôi … vượt rạch, đến vị trí mới như mong muốn. Sau đó, sau khi quan sát, ngắm nghía đoạn đường vượt rạch và thử độ lún của nền đất dưới rạch, hướng đi của ngôi nhà, ông thợ chính trong đoàn bấm tay nhẩm tính rồi yêu cầu gia đình tôi dọn hết đồ đạc ra khỏi nhà. Tất cả những người trong nhà ông Thài hồi hộp chờ việc mang cả căn nhà mái ngói, cột gỗ rộng 7,9 m, dài 16 m qua con rạch. Đối nghịch với tâm trạng bồn chồn, lo lắng của chủ gia, ông thợ chính chỉ huy cánh thợ di dời nhà tỏ ra tràn đầy tin tưởng. Ông phân công thợ tiến hành đóng cọc dưới lòng rạch làm bệ dẫn đường kéo căn nhà. Chuẩn bị xong, ông thợ chính hẹn ông Thài sáng hôm sau sẽ bắt đầu… vượt rạch. “Cả đêm đó,  tôi không tài nào chợp mắt được” - ông Thài nhớ lại.

Sáng hôm sau, sau khẩu lệnh “kéo” của người chỉ huy, căn nhà bắt đầu nhích dần khỏi vị trí cũ tiến vào đường dẫn đã định sẵn. “Tốc độ di chuyển của căn nhà chỉ tính từng cm. Suốt cả buổi sáng, căn nhà mới tiến đến bên bờ rạch và phải dừng lại ở đó khá lâu, để thợ kiểm tra độ an toàn trước lúc vượt rạch. Đến hết buổi chiều, căn nhà mới vượt được con rạch rộng 8 m một cách an toàn, tiếp cận với con lộ bên kia rạch. Đêm đó, cả đội di dời nhà 15 người “tăng ca” làm luôn buổi tối, đến hơn 23 giờ, căn nhà tôi mới vào vị trí mới an toàn đến hôm nay” – ông Thài cho biết.

Ai là ông tổ “thần đèn”?

Đến xã Long Điền A, nơi được cho là “cái nôi” của nghề di dời nhà, chúng tôi hỏi về ông tổ nghề “thần đèn”. Do trước đây, các phương tiện thông tin đại chúng cho rằng ông Lương Thành Lũy (tư Lũy) là ông tổ “thần đèn” ở miền Tây. Cũng có người lại bảo “thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy ở xã Long Khánh, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, mới là người khai sinh ra cái nghề … không tưởng này. Song, các bô lão ở làng “thần đèn” đều bác bỏ hai thông tin trên. Nhiều người khẳng định nghề “thần đèn” không xuất phát từ vùng đất này. “Vào khoảng năm 1995, có một tốp người từ nơi khác đến xã Long Điền A, kéo lùi một căn nhà dân. Khi đó, rất nhiều người dân ở đây đến xem. Trong đó, nhiều người sau này thành “thần đèn”. Mấy ông này đều là thợ mộc nên học rất nhanh. Về sau mấy ông này mới tập tành làm theo, rồi nhận di dời, nâng sàn nhà ở nhiều nơi cho tới bây giờ. Nói chung là họ bắt chước nghề của người từ nơi khác đến và bắt đầu làm dịch vụ từ khoảng năm 1996-1997 đến nay. Không ai ở đây là ông tổ của nghề “thần đèn” cả” – nhiều người cao tuổi ở đây quả quyết.

Quốc Dũng

Thần đèn Tư Lũy

“Thần đèn Tư Lũy, người được xem là “ông tổ” của nghề dời nhà ở miền Tây. Tính đến nay ông đã di dời trên 1000 công trình lớn nhỏ ở nhiều tỉnh, thành trong nước và một số nước khác như Philippines, Malaysia, Italy...

Địa chỉ: Đường tỉnh 942, Ấp Long Hòa 2, Xã Long Điền A, Huyện Chợ Mới, An Giang

Thống kê truy cập

134967
Hôm nay
Tuần này
Tháng này
41
354
1273